Tuesday, December 9, 2014

Bài học từ câu chuyện “Tái ông thất mã”

Một câu chuyện của Trung Quốc về một nông dân Bình tĩnh.
“Một ông lão ở gần biên giới giáp với nước Hồ phía Bắc nước Tàu, gần Trường thành, có nuôi một con ngựa. Một hôm con của ông lão dẫn ngựa ra gần biên giới cho ăn cỏ, vì lơ đễnh nên con ngựa vọt chạy qua nước Hồ mất dạng. Những người trong xóm nghe tin đến chia buồn với ông lão.
Ông lão là người thông hiểu việc đời nên rất bình tỉnh nói: – Biết đâu con ngựa chạy mất ấy đem lại điều tốt cho tôi.
Vài tháng sau, con ngựa chạy mất ấy quay trở về, dẫn theo một con ngựa của nước Hồ, cao lớn và mạnh mẽ.
Người trong xóm hay tin liền đến chúc mừng ông lão, và nhắc lại lời ông lão đã nói trước đây.
 Ông lão không có vẻ gì vui mừng, nói: – Biết đâu việc được ngựa Hồ nầy sẽ dẫn đến tai họa cho tôi.
Con trai của ông lão rất thích cỡi ngựa, thấy con ngựa Hồ cao lớn mạnh mẽ thì thích lắm, liền nhảy lên lưng cỡi nó chạy đi. Con ngựa Hồ chưa thuần nết nên nhảy loạn lên. Có lần con ông lão không cẩn thận để ngựa Hồ hất xuống, té gãy xương đùi, khiến con ông lão bị què chân, tật nguyền.
Người trong xóm vội đến chia buồn với ông lão, thật không ngờ con ngựa không tốn tiền mua nầy lại gây ra tai họa cho con trai của ông lão như thế.
Ông lão thản nhiên nói: – Xin các vị chớ lo lắng cho tôi, con tôi bị ngã gãy chân, tuy bất hạnh đó, nhưng biết đâu nhờ họa nầy mà được phúc.
Một năm sau, nước Hồ kéo quân sang xâm lấn Trung nguyên. Các trai tráng trong vùng biên giới đều phải sung vào quân ngũ chống ngăn giặc Hồ. Quân Hồ thiện chiến, đánh tan đạo quân mới gọi nhập ngũ, các trai tráng đều tử trận, riêng con trai ông lão vì bị què chân nên miễn đi lính, được sống sót ở gia đình.”
Người đời sau lập ra thành ngữ: Tái ông thất mã, an tri họa phúc. Nghĩa là: ông lão ở biên giới mất ngựa, biết đâu là họa hay là phúc.
Bài học: Việc đời, hết may tới rủi, hết rủi tới may, nên bắt chước tái ông mà giữ sự thản nhiên trước những biến đổi thăng trầm trong cuộc sống.Ta không bao giờ thực sự biết được những điều còn ở phía phía trước sẽ xảy ra như thế nào. Cuộc sống không phải lúc nào cũng như chúng ta mong đợi.

Sự khác nhau giữa bằng cấp (degree) và chứng chỉ (diploma)

Dù đều dùng để chứng minh việc hoàn tất một khóa học, nhưng bằng cấp (degree) và chứng chỉ (diploma) vẫn có một số khác biệt về độ dài, tính chất cũng như giá trị về lâu về dài.
Khác với chứng nhận (certificate), cả bằng cấp và chứng chỉ đều được dành để trao cho những ai đã hoàn tất thành công một khóa học nào đó. Tuy nhiên, có một số khác biệt giữa hai thuật ngữ này mà đôi khi chúng ta không thể sử dụng nhầm lẫn.
Một khóa học cấp bằng (degree) thường kéo dài từ 3 đến 4 năm tùy theo quốc gia, trong khi đó một khóa học cấp chứng chỉ (diploma) chỉ kéo dài trong 1-2 năm. Về bằng cấp, một tấm bằng thường được trao bởi những trường Đại học uy tín còn một chứng chỉ có thể được trao bởi bất kì cơ sở giáo dục nào, kể cả các cơ sở giáo dục tư nhân.
Cũng như vậy, trọng tâm và mục đích của cả hai chương trình đào tạo này cũng khác nhau. Một khóa cấp bằng thường chú trọng hơn đến yếu tố hàn lâm, học thuật.
Cấu trúc của chương trình cấp bằng thường giúp người học có được cái nhìn tổng quan với ngành học và những ứng dụng trong sự nghiệp. Thông thường, nội dung chính đó được gọi là môn chuyên ngành, bên cạnh các môn tự chọn. Chẳng hạn, nếu bạn muốn theo học Kế toán, chương trình học sẽ có thêm các môn học hữu ích với công việc kế toán sau này, chẳng hạn Toán học, Thống kê, Văn hóa kinh doanh và Luật thương mại.
Bên cạnh đó, chương trình cấp chứng chỉ lại tập trung vào việc huấn luyện học viên, đào tạo họ trở thành người có năng lực đặc biệt trong thương mại và kinh doanh. Ngoài việc được học kiến thức hàn lâm, lí thuyết, chương trình còn đưa ra một số tình huống có thể xảy ra trong công việc để giúp bạn thực hành bằng cách vận dụng kiến thức cho mỗi tình huống. Một số học viên có thể sẽ tham gia khóa học với hình thức vừa học vừa làm. Quay lại với ví dụ trên, việc theo học một khóa cấp chứng chỉ trong nghành Kế toán có thể tập trung vào kĩ năng đào tạo vào việc giữ sổ sách kế toán mà không bao gồm các môn về Thương mại hay Thống kê.
Nếu chương trình cấp bằng có rất nhiều khóa học trải dài qua các cấp độ cũng như lĩnh vực khác nhau, thì chương trình cấp chứng chỉ thường được tập trung vào một ngành nghề cụ thể như Nấu ăn, Quản lí nhà hàng, Y tá, Thợ mộc, Kĩ sư…
Hầu hết các trường Đại học thường yêu cầu người đăng kí vào các chương trình tuyển sinh cao học phải hoàn thành chương trình học nghiên cứu, kéo dài từ 3-4 năm.  Trong khi những người có bằng có thể đạt được yêu cầu trên thì những ai sở hữu chứng chỉ có thể sẽ gặp khó khăn trong vấn đề chứng minh trình độ học vấn hay sự tương ứng giữa các văn bằng.
Có một suy nghĩ là chứng chỉ thường được đánh giá thấp hơn bằng cấp, tuy nhiên nhiều công ty không đồng ý với quan điểm này. Ngoài trình độ học vấn, các công ty này thường quan tâm đến hiệu suất công việc hay thái độ của ứng viên trong lúc tuyển dụng. Việc sở hữu một tấm bằng hay chứng chỉ có thể không ảnh hưởng đến việc bước vào sự nghiệp, tuy nhiên để “thăng quan tiến chức” về sau, một tấm bằng có thể là một điểm cộng.
                           Nguồn: Differencebetwee

Sự khác nhau giữa Chứng chỉ (Diploma) và Chứng nhận (Certificate) 

Trong giáo dục ở nước ngoài, Diploma (tạm dịch: Chứng chỉ) và Certificate (tạm dịch: chứng nhận) hàm chứa một số thông tin khác nhau cơ bản.
Một chứng chỉ (Diploma) thường được trao để chứng nhận bạn đã hoàn tất thành công một khóa học của cơ sở đào tạo nào đó, với một số yêu cầu nhất định.
Những chứng chỉ này cũng giúp chứng nhận được trình độ học vấn của người nhận. Trong khi đó, chứng nhận (Certificate) thì bao hàm những nội dung rộng hơn, với nhiều mục đích khác nhau như giấy chứng nhận khai sinh, giấy chứng nhận đăng kí kết hôn… Trong lĩnh vực giáo dục, giấy chứng nhận được trao cho sinh viên khi họ đã vượt qua được một kì thi, dành giải trong một cuộc thi hay đôi khi cũng để chứng nhận họ đã hoàn thành một khóa học.
Khi nói về những khóa học cấp bằng và những khóa học cấp chứng chỉ, ý nghĩa cũng có một chút khác biệt. Những chương trình học cấp Certificate thường kéo dài trong thời gian ngắn hơn, thường là trong vài tháng. Đó có thể là khóa học lái xe, học sơ cứu, học thiết kế web… Như vậy, những chứng nhận này không nhất thiết phải liên quan đến giáo dục mà có thể thuộc về các lĩnh vực khác.
Trong khi đó, một khóa học cấp Diploma thường kéo dài đến thời gian tính hàng năm trời. Để nhận được Diploma, bạn phải đạt được một số điểm hay thỏa mãn các yêu cầu nhất định.
Tóm lại:
  • Chứng nhận (Certificate)  có thể được sử dụng trong những lĩnh vực khác nhau như giấy khai sinh, giấy đăng kí kết hôn, nhưng chứng chỉ (Diploma) thì chỉ dành cho lĩnh vực giáo dục.
  • Chứng chỉ (Diploma) thường được trao cho những sinh viên đã hoàn tất việc học ở trường cấp III và các chương trình học sau đó, trong khi chứng nhận (Certificate) có thể được trao cho những ai đã thành thạo bất kì kĩ năng nào trong đời sống, không nhất thiết phải liên quan đến giáo dục.
  • Các khóa học cấp chứng chỉ thường kéo dài hơn các khóa học cấp chứng chứng nhận.

Theo differencebetween.net