Monday, July 29, 2019

Áp dụng quy tắc số 3

Quy tắc số 3 giúp củng cố khả năng đưa ra lựa chọn chuẩn xác của nhà lãnh đạo ở khoảng 90% trường hợp tuyển dụng.
Ứng dụng đầu tiên của công thức này cho rằng bạn nên phỏng vấn ít nhất ba ứng viên cho một công việc. Bằng việc phỏng vấn ba ứng viên, bạn sẽ có cơ hội đối chiếu và so sánh các ứng viên tiềm năng. Đừng bao giờ tuyển ngay người đầu tiên và cũng là người duy nhất mà bạn phỏng vấn. Hãy mở rộng mạng lưới và phỏng vấn nhiều người hơn để có thể lựa chọn nhân tài.
Ứng dụng thứ hai là phỏng vấn ứng viên mà bạn hài lòng ở cả ba lần khác nhau. Các cuộc phỏng vấn có thể được sắp lịch vào ngày hôm sau, tuần tiếp theo hoặc liền trong ba ngày liên tiếp. Hãy tiến từng bước, thật chậm rãi, bình tĩnh. Một người xuất sắc trong cuộc phỏng vấn đầu tiên có thể lại bình thường trong cuộc phỏng vấn thứ hai và kinh khủng trong cuộc phỏng vấn thứ ba. Điều này xảy ra khá thường xuyên.
Ứng dụng thứ ba là phỏng vấn ứng viên mà bạn thích ở ba nơi khác nhau. Cuộc phỏng vấn đầu tiên có thể là tại văn phòng, cuộc phỏng vấn thứ hai có thể là ở dưới sảnh, trong phòng họp và cuộc phỏng vấn thứ ba trong một quán cà phê chẳng hạn.
Khi bạn đưa mọi người tới các môi trường khác nhau, họ sẽ cho bạn thấy những khía cạnh khác nhau trong tính cách mà khó lộ diện nếu chỉ ngồi ở văn phòng. Hãy nhớ rằng các ứng viên cho công việc mà bạn muốn tuyển không bao giờ có vẻ khá như lần bạn phỏng vấn đầu tiên. Trong cuộc phỏng vấn thứ hai và thứ ba, hoặc ở nơi phỏng vấn thứ hai và thứ ba, ứng viên lôi cuốn lúc đầu có thể càng lúc trông càng tệ hơn. Vì vậy, hãy suy nghĩ thật thận trọng và quyết định chậm rãi.

Wednesday, July 17, 2019

Dắt ốc đi dạo

Mình đã từng đối xử với đồng nghiệp, với con em , người thân , với bản thân mình và với  MENTEE chăng ???
Mời mọi người đọc câu chuyện sưu tầm dưới đây
——
“ DẮT ỐC SÊN ĐI DẠO “

Thượng Đế giao cho tôi một nhiệm vụ, đó là dắt con ốc sên đi dạo. Tôi không thể đi quá nhanh, con ốc sên đang cố gắng nhưng nó chỉ bò từng chút một.

Tôi sử dụng đủ mọi cách, chẳng hạn hối thúc, dọa dẫm và trách móc nó, nhưng con ốc sên vẫn chậm chạp nhích từng chút một.

Nó chỉ biết dùng ánh mắt hối lỗi nhìn tôi, dường như nó đang nói rằng: "Tôi đã cố gắng lắm rồi!".

Tôi mặc kệ ánh mắt nó khẩn cầu sự thấu hiểu và bao dung của tôi. Tôi muốn lôi kéo nó, tôi đẩy nó đi nhanh hơn, thậm chí tôi muốn đá nó thật đau.

Con ốc sên đã bị thương khi cố gắng bám theo bước chân của tôi. Nó đang đổ mồ hôi đầm đìa, nó thở hổn hển khi cố gắng bò về phía trước.

Thật kì lạ, tại sao Thượng Đế giao cho tôi một nhiệm vụ khó khăn như vậy? Thượng Đế không trả lời tôi, ngài im lặng giống như mặc kệ mọi chuyện đang xảy ra với tôi.

Tôi muốn buông tay, Thượng Đế không quản, hà cớ gì tôi phải bận tâm? Con ốc sên vẫn cố gắng bò về phía trước, còn tôi ở phía sau đốc thúc nó và hờn dỗi số phận của chính mình.

Bỗng nhiên, tôi ngửi thấy mùi hương nồng nàn của những bông hoa. Hóa ra gần đây có một khu vườn hoa rực rỡ khoe sắc màu. Tôi cảm nhận cơn gió đang vuốt ve khuôn mặt của tôi, thì ra cơn gió đêm dịu dàng đến thế.

Tôi còn nghe tiếng chim hót, tiếng côn trùng kêu râm ran trong bụi rậm. Tôi ngước mắt nhìn thấy những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời. Tại sao trước đây tôi không hề nhận ra những điều tuyệt vời này nhỉ?

Tôi bất chợt nhận ra sai lầm của mình. Thượng Đế chỉ đơn giản muốn tôi dắt con ốc sên đi dạo, đáng lẽ tôi phải tận hưởng mọi khoảnh khắc đẹp đẽ khi đi dạo cùng con ốc sên.

Nhưng thay vào đó, tôi đã phí phạm quá nhiều thời gian và sức lực vào việc trách móc và hối thúc nó phải theo kịp bước chân của tôi.
------

Dạy dỗ con cái hay hướng dẫn nhân viên giống như việc bạn đang dắt một con ốc sên đi dạo. Bạn sẽ cùng con trải qua những tháng ngày tươi đẹp, tuy nhiên mọi con đường luôn có những chông gai.

Đôi khi bạn sẽ tức giận và đánh mất lý trí, bạn không còn tâm trí để ý đến những khía cạnh tốt đẹp của con, chẳng hạn ánh mắt ngây thơ của con hay góc nhìn của con về sự vật xung quanh.

Đáng lẽ bạn phải bước chậm lại cùng con, bước đi thật thong thả, thoải mái.

Hãy gạt những suy nghĩ chủ quan của người lớn sang một bên, điều bạn cần làm là lặng lẽ bên con, lắng nghe tiếng lòng của con, cho chính mình thêm thời gian và tận hưởng cuộc sống nhiều màu sắc.

Nếu bạn sợ hãi khi thấy con mình thua "con người ta" ngay từ vạch xuất phát, nghĩa là bạn đã quên cuộc đời không phải là cuộc đua ngắn hay trung bình, mà đó là cuộc đua marathon có vạch đích rất xa, đòi hỏi người chạy phải có sự bền bỉ và dẻo dai.
Con của bạn không cần phải quá vội vàng chạy theo bước chân của bạn hay bất kì ai, điều bạn cần làm là thong thả đi bên cạnh con như cách bạn dắt con ốc sên đi dạo tiến về phía trước.

Quá trình dạy dỗ con cái không thể nào chỉ diễn ra trong thời gian ngắn liền có kết quả. Bạn cần phải tiến hành từng bước một và có trật tự rõ ràng.

Mỗi khi con hoàn thành 1 nhiệm vụ, nghĩa là con đang từng bước góp nhặt kiến thức cho chính mình. Bạn hãy để con học 1 cách tự nhiên, học có mục tiêu và sự chủ động, đừng gò ép con phải theo ý muốn của bạn.

Cuộc sống hiện nay, bố mẹ và thầy cô luôn là người ở phía sau hối thúc đứa trẻ phải bắt kịp "con nhà người ta".

Họ không quan tâm cảm nhận của đứa trẻ, họ chỉ nhìn vào tốc độ mà đứa trẻ sẽ đạt đến. Họ khiến đứa trẻ và ngay cả bản thân bỏ lỡ những điều tốt đẹp nhất trên hành trình tìm kiếm tri thức.

Họ khiến thời gian ở bên con trở thành cơn ác mộng, bố mẹ cảm thấy con luôn khiến mình lo nghĩ, còn đứa trẻ cảm thấy bố mẹ thật phiền phức.

Phương pháp dạy trẻ đúng đắn là thuận theo ưu điểm của trẻ rồi từ đó phát huy. Hãy chấp nhận những tính cách cũng như con người trẻ, đừng cố gắng thay đổi hay thúc ép con.

Dạy dỗ trẻ là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn, thấu hiểu, bao dung giống như cách bạn dắt con ốc sên đi dạo.

Đừng vì sự nóng vội của người lớn mà khiến những đứa trẻ trở thành những con ốc sên biết khóc và mệt mỏi trên hành trình tìm kiếm tri thức.
——
Cám ơn bạn đã đọc hết câu chuyện và những phân tích này

Tuesday, July 16, 2019

Con voi

CÂU CHUYỆN Ý NGHĨA]
🔰Trói voi bằng dây thừng 🔰
🌱 Một vị khách đi ngang qua khu của những con voi thì bất ngờ anh ta dừng lại, anh ta cảm thấy khó hiểu khi một con vật to lớn như vậy lại chỉ bị trói bằng một sợi dây thừng mỏng manh vào chân trước của con vật, chẳng có xích hay lồng sắt gì cả. Lẽ tất yếu là những con voi này có thể giật đứt dây trói này bất cứ khi nào chúng muốn nhưng vì lí do nào đó mà chúng đã không làm vậy.
🌵 Anh ta hỏi người quản tượng gần đó rằng tại sao những con vật này chỉ đứng yên ở đây mà không thử cố thoát ra. "Dễ hiểu thôi", người quản tượng nói, "khi chúng còn là voi con và bé hơn bây giờ nhiều thì chúng tôi dùng dây thừng để trói chúng là đủ. Khi lớn lên, chúng vẫn nghĩ rằng chúng không giật đứt dây được. Những con voi này vẫn tưởng là dây thừng đủ sức trói chúng nên chúng cũng chẳng bao giờ thử cố thoát ra.
🌵 Vị khách rất ngạc nhiên. Hóa ra những con voi này có thể dễ dàng giật đứt sợi dây bất cứ khi nào nhưng chỉ vì chúng nghĩ là chúng không thể nên cứ mãi đứng im một chỗ.
Cũng giống những con voi này, bao nhiêu người trong chúng ta lãng phí nhiều cơ hội trong cuộc sống chỉ đơn giản vì ta nghĩ rằng ta không thể làm điều gì đó vì lần trước ta đã thử và thất bại.
▶️ Bài học rút ra: Thất bại là mẹ thành công, quan trọng là ta không bao giờ được ngừng nỗ lực

Wednesday, July 10, 2019

Khởi nghiệp và cách tính gọi vốn

ĐỊNH GIÁ VÀ GỌI VỐN STARTUP

(Bài copy từ FB Phan Thế Hoàng)

Chỉ dành cho bạn nào thích tìm hiểu về đầu tư, khởi nghiệp, yêu thích Shark Tank và muốn tìm hiểu về VỐN – QUY TRÌNH GỌI VỐN, CHIA CỔ PHẦN KHI KHỞI NGHIỆP. Các nhà đầu tư thường nói các vòng gọi vốn của một Start up, vậy từng vòng gọi vốn là như thế nào và các con số cổ phần sẽ thay đổi ra sao khi có thêm các nhà đầu tư tham gia vào một doanh nghiệp được Cổ phần hóa. Khái niệm đưa công ty lên sàn (IPO) là gì, tất cả sẽ được diễn tả một khách rất sơ lược trong bài viết sau đây:

Khởi nghiệp. Vấn đề đầu tiên luôn luôn là TIỀN ĐÂU?

Gọi vốn như thế nào? Cách phân chia cổ phần sau mỗi vòng gọi vốn ra sao? Suy nghĩ, mục đích của nhà đầu như là gì?

Gọi vốn đầu tư – kêu gọi người khác bỏ tiền ra cho mình làm, hay tôi nói thẳng toẹt ra là bạn đi bán ý tưởng, bán dự án kinh doanh của mình. Nói thế cho nó vuông. Tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện, hi vọng, sau khi đọc xong bạn sẽ hình dung và hiểu được phần nào về gọi vốn và quy trình gọi vốn.

Có một điều bạn luôn PHẢI NHỚ: Nhà đầu tư là nhà đầu tư, họ không phải là nhà từ thiện. Điều họ quan tâm khi đầu tư là: Trong vụ này mình có thể kiếm được bao nhiêu. Họ đầu tư đầu tiên là vì họ chứ không phải vì bạn hay dự án của bạn!

--------------------------------

A Phủ có một ý tưởng, một dự án, một kế hoạch kinh doanh rất khả thi là: Săn, nuôi lợn rừng giống, phát triển quy mô đàn lợn xây dựng thương hiệu và bán thịt lợn rừng sạch. Mọi thứ anh đã lên kế hoạch tỉ mỉ triển khai là chắc thắng(tất nhiên đó là theo suy nghĩ của cá nhân anh ta). Ngặt một nỗi, anh không có tiền vốn. Và anh bắt đầu đi gọi vốn đầu tư để triển khai ý tưởng to lớn của mình. À mà thôi, cứ gọi là anh đi bán ý tưởng kinh doanh của mình.

GIAI ĐOẠN 1:

Trước khi đi bán ý tưởng kinh doanh của mình, A Phủ cần định giá được giá trị của nó. Định giá như thế nào để thuận mua – vừa bán với người mua(nhà đâu tư). Cao quá sẽ không ai mua cổ phần cả. Giá trị định giá chỉ có hiệu lực khi có người nào đó đồng ý mua cổ phần.

Ví dụ: Anh định giá cho ý tưởng của mình là 100 triệu đồng. Anh sẽ đi bán 20% cổ phần lấy 20 triệu đồng từ nhà đầu tư. Giả sử nhà đầu tư X đồng ý đặt niềm tin vào A Phủ và đồng ý bỏ 20 triệu đồng ra mua 20% cổ phần dự án.

(Rất hiếm khi được nhà đầu tư mua cổ phần ở giai đoạn này. Nếu muốn biết cách thuyết phục hãy kiên nhẫn đến cuối bài.)

Lúc này, số lượng cổ phần của A Phủ còn lại là 80%. Công việc của anh sau khi nhận được vốn đầu tư là phải dùng số tiền đầu tư đó, phát triển dự án của mình để có mức định giá cao hơn ở những vòng gọi vốn tiếp theo.

Cụ thể là: khi nhận được 20 triệu đồng, A Phủ mua bẫy, săn lợn và làm chuồng để nuôi lợn. Sau khi anh săn được những chú lợn giống, xây xong chuồng trại thì lại hết tiền. Anh tiếp tục đi gọi vốn đầu tư để mua thức ăn chăn nuôi, chi trả tiền thuốc thú y, để phát triển tiếp dự án của mình.

GIAI ĐOẠN 2

Vẫn giống như giai đoạn 1. A Phủ và nhà đầu tư X tiếp tục định giá lại dự án này.

Với các kết quả mới, tham số mới, mọi thứ bắt đầu cụ thể, nhìn rõ hình hài của dự án hơn với: Bẫy, chuồng trại và những con lợn giống.

Giả sử 2 người định giá giá trị dự án bây giờ là 200 triệu (Nhưng vẫn phải đảm bảo thuận mua vừa bán với các nhà đầu tư sau). Số tiền cổ phần của dự án vẫn giữ nguyên: A Phủ: 80% và nhà đầu tư X: 20% nhưng giá trị cổ phần đã tăng lên gấp đôi. Giá trị 20% cổ phần của X đã tăng lên 40 triệu đồng.

A Phủ tiếp tục gọi vốn ở giai đoạn 2:

Giả sử có một nhà đầu tư Y nhìn thấy tiềm năng của dự án liền bỏ thêm 20 triệu đồng để đầu tư dự án. Và giá trị định giá cổ phần tại thời điểm này là 200 triệu + 20 triệu của nhà đầu tư Y là 220 triệu.

Tỉ lệ cổ phần được chia lại như sau:

A Phủ: (160/220)x100 = 72.727%

Nhà đầu tư X: (40/220)x100 = 18.181%

Nhà đầu tư Y: (20/220)x100 = 9.09%

Ngoài ra, ở giai đoạn này, nhà đầu tư X hoặc A Phủ đều có thể bán một phần cổ phần của mình trong dự án để lấy tiền mặt. Nhà đầu tư X có thể bán 1 nửa cổ phần dự trong dự án để bảo toàn vốn của mình. Hoặc ông ta có thể bán hết cổ phần, coi như kết thúc 1 thương vụ và kiếm được một khoản lợi nhuận 100%.

Sau khi nhận được tiền từ nhà đầu tư Y, A Phủ tiếp tục phát triển dự án với sứ mệnh tăng giá trị định giá của nó lên. Anh nuôi lợn, chăm sóc để gia tăng quy mô và số lượng đàn lợn. Sau khi tiêu hết số tiền của nhà đầu tư Y. A Phủ có thêm một đàn lợn con vừa sinh sản. A Phủ tiếp tục gọi vốn vòng tiếp theo.

GIAI ĐOẠN 3:

Cả 3 người lại tiếp tục định giá lại giá trị của dự án, chuẩn bị cho vòng gọi vốn tiếp theo. Giả sử, cả 3 người thống nhất giá trị định giá cho dự án này là 300 triệu. Số lượng cổ phần vẫn như giai đoạn 2, nhưng giá trị cổ phần tăng lên, như sau:

A Phủ: 160 triệu -> 218.18 triệu

Nhà đầu tư X: 40 triệu -> 54. 54 triệu

Nhà đầu tư Y: 20 triệu -> 27.28 triệu

A Phủ lại tiếp tục gọi vốn giai đoạn 3. Và anh thuyết phục được nhà đầu tư Z đầu tư vào dự án 50 triệu đồng. Tổng giá trị dự án bây giờ là: 300 triệu + 50 triệu = 350 triệu đồng. Và tỉ lệ cổ phần được chia lại như sau:

A Phủ: (218.18/350)x100 = 62.337%

Nhà đầu tư X: (54.54/350)X100 = 15.583%

Nhà đầu tư Y: (27.28/350)x100 = 7.794%

Nhà đầu tư Z: (50/350)x100 = 14.286%

Lúc này, với 20 triệu đồng ban đầu, nhà đầu tư X đã có khối tài sản giá trị 54.54 triệu. Để bảo toàn vốn đầu tư ban đầu hoặc đơn giản để lấy tiền về sử dụng vào mục đích riêng, ông bán 5.714% giá trị cổ phần cho 1 nhà đầu tư khác là X1 thu về 20 triệu đồng ban đầu. Đây không phải là vòng gọi vốn nên sẽ không định giá lại giá trị dự án mà chỉ là nhà đầu tư X muốn bán một phần cổ phần của ông ta tại giá trị định giá của dự án là 350 triệu đồng.

Và nhà đầu tư Y, với 20 triệu đồng ban đầu đã tăng lên 27,28 triệu đồng, khi đó ông Y quyết định ăn non, kết thúc thương vụ nên sẽ bán tất cổ phần của ông ta lại cho ông Y1 và kết thúc thương vụ đầu tư này với số tiền lãi là 7.28 triệu đồng.

Và tỷ lệ cổ phần lúc này của ông X giảm xuống còn ông Y1 sẽ thay thế ông Y trong danh sách các cổ đông. Và có thêm nhà đầu tư X1 trong danh sách cổ đông. Cụ thể như sau:

A Phủ: 62.337%

Nhà đầu tư X: 15.583% - 5.714% = 9.869%

Nhà đầu tư Y: 0%(loại ra khỏi danh sách cổ đông)

Nhà đầu tư Z: 14.286%

Nhà đầu tư X1: 5.714%

Nhà đầu tư Y1: 7.794%

Tiếp tục phát triển dự án, đàn lợn con đầu tiên của A Phủ nay đã có thể xuất chuồng, có thể bắt đầu có doanh thu nhưng số tiền của nhà đầu tư Z đã bị tiêu hết. Vậy nên họ lại tiếp tục định giá lại dự án và gọi vốn đầu tư thêm một lần nữa.

GIAI ĐOẠN 4

Lúc này, dự án đã khả quan hơn, tươi sáng hơn có thể có doanh thu luôn và khả năng phát triển rất tốt, nên các nhà đầu tư mạnh dạn định giá cho dự án này ở mức 500 triệu đồng.

Khối tài sản của các cổ đông tiếp tục tăng lên:

A Phủ: 62.337% - tương đương: 311,685 triệu đồng

Nhà đầu tư X: 9.869%- tương đương: 49.345 triệu đồng

Nhà đầu tư Z: 14.286% - tương đương: 71.43 triệu đồng

Nhà đầu tư X1: 5.714% - tương đương: 28,57 triệu đồng

Nhà đầu tư Y1: 7.794% - tương đương: 38.97 triệu đồng

Lúc này, nhà đầu tư T, đã theo dõi quá trình phát triển của dự án khá lâu, nhưng vì sợ rủi ro nên ông chưa dám đầu tư, ngay khi ông nghe tin sắp có sản phẩm và doanh thu từ đàn lợn nên ông T mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng ở giá trị định là 500 triệu, tổng giá trị định giá hiện tại là 600 triệu và tỉ lệ cổ phần được phân chia lại như sau:

A Phủ có 311,685 triệu đồng – Tương đương: (311.685/600)x100 = 51.9475%

Nhà đầu tư X có 49.345 triệu đồng – Tương đương: (49.345/600)x100 = 8.2241%

Nhà đầu tư Z có 71.43 triệu đồng – Tương đương: (71.43/600)x100 = 11.905%

Nhà đầu tư X1 có 28,57 triệu đồng – Tương đương: (28.57/600)x100 = 4.7617%

Nhà đầu tư Y1 có 38.97 triệu đồng – Tương đương: (38.97/600)x100 = 6.495%

Nhà đầu tư T có 100 triệu đồng – Tương đương: (100/600)x100 = 16.6667%

Có tiền từ nhà đầu tư T, A Phủ tiếp tục làm việc, thuê chuyên gia, nhân sự, mở rộng mạng lưới bán sản phẩm… tăng trưởng quy mô doanh nghiệp. Tiếp tục các vòng gọi vốn sau với hình thức tương tự.

Sau khi Sản phẩm của A Phủ rất tốt, mọi việc đi đúng hướng, mang lại lợi nhuận, sau nhiều vòng đầu tư, anh quyết định công khai doanh nghiệp (go public), niêm yết công ty lên sàn, hay gọi là IPO.

Về bản chất, IPO chỉ là một cách khác của việc kêu gọi đầu tư, nhưng lần này bạn có thể nhận tiền từ hàng triệu người. Thông qua việc IPO, công ty có thể bán cổ phần trên thị trường chứng khoán, và ai cũng có thể mua cổ phần của công ty bạn. Do đó, bạn có thể nhận được tiền đầu tư dễ dàng hơn thông qua việc bán bớt cổ phần, đây chính là lý do đầu tiên. Lý do thứ hai, trước khi IPO, những người tham gia vào dự án của bạn, bao gồm cả bạn đều giữ những cổ phiếu giới hạn – restricted stock. Bạn không thể chỉ đơn giản mang những cổ phiếu này ra chợ và bán để lấy lại tiền, vì chúng chưa được chứng thực bởi cơ quan chức năng. IPO sẽ làm việc này. Vậy nên, trước khi được kiểm chứng, ai dám chắc bạn không treo đầu dê bán thịt chó, ai dám chắc những người mua cổ phiếu của bạn sẽ không bị lừa đảo. Chính nhờ IPO, bạn và các nhà đầu tư khác có thể bán, biến lượng cổ phiếu này thành tiền thật.

-------------------------------------

LÀM THẾ NÀO ĐỂ KÊU GỌI VỐN ĐẦU TƯ

Trên thực tế, để gọi vốn cho 1 ý tưởng và một bản kế hoạch kinh doanh trên giấy là cực kỳ khó và tỉ lệ thành công rất thấp. Nhà đầu tư họ muốn thấy được cái gì đó hữu hình có thể cầm, nắm, cân, đo, đong, đếm và định giá được. Họ muốn hấy quá trình hình thành, thấy các bước phát triển. Họ muốn thấy xương, máu của người sáng lập đã đổ ra sao? Thấy kinh nghiệp quản trị, khả năng điều hành, chất lượng của đội ngũ sáng lập như thế nào?

Để thuyết phục nhà đầu tư không những phải có ý tưởng, kế hoạch rõ ràng cụ thể và điều quan trọng nhất là tiềm năng phát triển, khoản lợi nhuận mà họ có thể có được khi đầu tư vào dự án của bạn.

Ba năm nữa nó ra sao, năm năm nữa nó sẽ trở thành cái gì?

Bạn cần phải đưa ra những thông số cụ thể, những kết quả mà bạn và đội nhóm đã thực hiện được. Nếu bạn không dám đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc của bạn để hiện thực hóa ý tưởng của bạn thì ai dám tin bạn?

Ý tưởng tốt, kế hoạch tốt chỉ là một phần. Tất cả mới chỉ ở trên giấy. Điều quan trọng nhất là khả năng thực thi, khả năng hiện thực hóa ý tưởng thành sản phẩm. Hãy hành động để show kết quả, show các bước tiến, các giai đoạn và cho nhà đầu tư thấy. Đừng bao giờ quá tự hào về ý tưởng của bạn nó chẳng đáng giá 1 xu nào cả khi nó ở trên giấy. Đối với tôi, những ý tưởng thuộc loại độc nhất hay chưa ai làm đều có nghĩa là mọi người chưa có nhu cầu hoặc thị trường không đủ lớn. Hãy trả lời câu hỏi tại sao chưa ai làm? thay vì vỗ ngực tự hào về điều đó.

Khi nhận được đầu tư, không có nghĩa là bạn nhận được đủ số tiền nhà đầu tư cam kết đầu tư cho bạn. Họ sẽ giải ngân theo từng giai đoạn và có thúc ép tăng trưởng ứng với từng giai đoạn đó. Nếu bạn không đưa dự án phát triển theo đúng cam kết khi nhận tiền từ quỹ đầu tư, rất có thể họ sẽ ngừng giải ngân cho các giai đoạn tiếp và nếu tỉ lệ cổ phần của nhà đầu tư cao hơn của bạn thì việc bạn bị đá ra khỏi dự án do mình sáng lập ra cũng chẳng có gì bất ngờ cả.

Ví dụ: bạn nhận được gói đầu tư là 100 triệu đồng. Công việc của bạn sẽ phải tăng trưởng dự án để có được mức định giá cao hơn. Cụ thể biến dự án được định giá từ 300 triệu đồng lên 500 triệu đồng.

Giai đoạn 1: Rót 30% gói đầu tư, tương đương 30 triệu đồng, bạn phải phát triển lên một tầm nào đó để mức định giá doanh nghiệp khoảng 350 triệu.

Giai đoạn 2: Rót thêm 30% nữa, bạn phải đưa mức định giá lên khoảng 400 triệu.

Nếu đưa lên được, bạn được rót thêm gian đoạn 3, không đưa lên được thì có thể ngừng rót vốn hoặc xử lý theo cam kết với nhà đầu tư.

Vậy nên, gọi được vốn đầu tư, không sướng như bạn nghĩ đâu. Đôi lúc vì sức ép từ nhà đầu tư, bạn phải làm những việc, làm sản phẩm không đúng với triết lý ban đầu của bạn, thay vào đó bạn phải làm mọi việc để nâng cao giá trị định giá.

Khi dự án càng rõ ràng, mục tiêu, kế hoạch, sản phẩm càng cụ thể thì giá trị định giá của doanh nghiệp càng cao. Bạn, đội nhóm của bạn càng phát triển được nhiều trong sản phẩm thì số lượng cổ phần của các bạn càng nhiều.

Khi gọi được vốn, đừng vì danh vọng đừng vì ảo tưởng báo chí mà kêu thật nhiều, gọi thật lắm, rồi có lúc bạn sẽ phải ân hận vì điều đó.

Hãy gọi số vốn vừa đủ để phát triển cho từng giai đoạn. Nếu thực sự tâm huyết và đam mê với sản phẩm hãy tỉnh táo và luôn dành thế chủ động trong đàm phán và quyền quyết định doanh nghiệp.

Thay vì chọn nhà đầu tư nhiều tiền, hãy chọn những nhà đầu tư cùng ngành, cùng lĩnh vực với dự án mà bạn đang phát triển. Đôi lúc, những hỗ trợ, kinh nghiệm, hướng dẫn, mối quan hệ và hệ sinh thái sản phẩm từ nhà đầu tư có giá trị hơn nhiều lần số tiền họ đầu tư.

Cách tốt nhất là liên tục phát triển và dành hết tâm sức cho dự án. Nhà đầu tư, họ rất nhậy cảm với tiền và lợi nhuận. Ở đâu có lợi nhuận, có tiềm năng thì chắc chắn có nhà đầu tư. Hãy khiến họ đến và xin được đầu tư vào dự án của bạn, thay vì đi gặp và thuyết phục họ.

Trên đây là đôi dòng tâm sự, kinh nghiệm, kiến thức và trải nghiệm của tôi. Một thằng đã từ chối rất nhiều nhà đầu tư.

Và bạn đã đọc đến trang thứ 6 của khổ a4 rồi đấy. Hành động đi, người kiên trì như bạn mà không thành công thì không ai có thể thành công được đâu.

---------------------------------------

-S.t. từ Nguyễn Tiến Trung-

PS: Cách nhà đầu tư định giá startup chưa có doanh thu:

list bài hát hay

1. Tình nhạt phai

2 Tình Phai

Những lời dối gian

Tuesday, July 9, 2019

Bạn đang ở mấy giờ

ĐỒNG HỒ CỦA BẠN CHỈ MẤY GIỜ
(Bài của khách)

Tôi có một cái đồng hồ để bàn. Nó không chạy, nhưng không phải bị hỏng. Tôi đã cố tình tháo pin ra. Nhưng không phải lúc nào nó cũng đứng im. Cứ vào sinh nhật hàng năm của mình, tôi lại vặn nó đi thêm 18 phút.

Kim, có lẽ gọi anh ta là cậu bé Kim thì đúng hơn, vừa mới đến thăm tôi. Cậu ấy đến và thổ lộ hết lòng mình. Cậu ấy sắp bước sang tuổi 30 nhưng chẳng đạt được thành tựu gì có ý nghĩa, thậm chí cậu ấy còn không biết hoạch định gì cho tương lai. Câu chuyện của Kim tuôn trào bất tận và kết thúc rằng cậu thất vọng đến mức gần như mất trí.

Vâng, tuổi 30 xồng xộc đến, trước khi bạn kịp nhận ra nó.

Thật không dễ để có thể tốt nghiệp đại học trong bốn năm, khi bạn phải hoàn thành tất cả các tín chỉ cho bao nhiêu môn chính lẫn phụ. Có hàng tá yêu cầu phải lưu tâm để có một bảng thành tích học tập xuất sắc hầu tìm được một công việc tốt sau này. Bạn có thể học thêm một khóa ngoại ngữ ở nước ngoài hay tích lũy chút ít kinh nghiệm qua một đợt thực tập, và/hoặc kiếm một việc làm bán thời gian. Tất cả những công việc tăng thêm này đòi hỏi bạn phải thỉnh thoảng nghỉ học, có lẽ một hoặc hai học kỳ, để có thể dàn xếp mọi thứ đâu vào đấy. Nếu bạn vào đại học trễ, bạn chuyển trường hoặc thay đổi các khóa học, bạn còn phải tốn từ một đến hai năm nữa. Trong khi bạn tự làm bận rộn mình vì nhởn nhơ học hết trường nghề này đến học viện khác với những hứa hẹn giúp bạn vượt qua kỳ thi tuyển công chức nhà nước hay có suất đi du học, bạn đã chạm tuổi 30 lúc nào không hay.

Nhiều người trẻ ngày nay cảm thấy kinh hoàng với tốc độ của thời gian, dù họ còn xa tuổi 30. Các sinh viên năm hai than vãn với sinh viên năm nhất rằng một năm học trôi qua nhanh đến mức họ chẳng hề nhận ra. Còn các sinh viên năm ba thì rên rỉ về viễn cảnh kỳ thi tốt nghiệp đang ào ào đến. Nếu bạn là một bạn trẻ không có trong tay lời hứa nào về một công việc làm sau khi ra trường thì mỗi ngày trôi qua là một ngày thống khổ vì lo lắng và chán nản. Rồi sau đó bạn tự hỏi liệu tất cả mọi vấn đề của bạn có được giải quyết không khi bạn có bước đi thành công đầu tiên vào thế giới thực sau khi tốt nghiệp. Đừng vội trả lời câu hỏi này. Nếu bạn thuộc nhóm người luôn miệng nói rằng điều đó chỉ xảy ra khi bạn nhanh chóng ổn định, hay chỉ khi bạn đạt được thành tựu gì đó, thì bạn gần như chắc chắn là một trong những người trẻ tuổi đang trăn trở về ngày mai ngay lúc bạn đang đọc những dòng này.

Sao mình không đạt được một điều gì đấy trước khi bước sang tuổi... chứ?

Bạn nghĩ bạn đã đi qua bao nhiêu phần của cuộc đời mình?
Câu hỏi này nghe có vẻ khó hiểu? Vậy tôi xin diễn giải thế này. Giả sử tuổi thọ của bạn – từ lúc sinh đến khi từ giã cõi đời – là 24 giờ. Bạn nghĩ bạn đang ở giờ thứ mấy? Nếu bạn vừa rời khỏi đại học thì có phải đó là lúc 1 - 2 giờ chiều, khi hầu hết mọi người vừa xong bữa ăn trưa và quay trở lại làm việc? Thay vì ước đoán, chúng ta hãy dùng máy tính để tìm ra câu trả lời chính xác. Chúng ta hãy tìm vị trí chính xác nơi một bạn trẻ 24 tuổi vừa tốt nghiệp đại học đang đứng trên chiếc đồng hồ cuộc đời mình.

Nếu tuổi thọ trung bình của một người là 80 thì vị trí của anh chàng này trên chiếc đồng hồ cuộc đời là 7 giờ 12 phút sáng.
Mới 7 giờ 12 phút sáng. Bạn thấy vẫn còn sớm chán? Giờ này hầu hết mọi người vừa ra khỏi giường và chuẩn bị cho một ngày mới. Hoặc, nếu không phải là người thường dậy sớm, bạn vẫn còn say giấc nồng. Đúng như vậy đấy. Nếu bạn 24 tuổi và mới tốt nghiệp, bạn chỉ ở vị trí 7 giờ 12 phút sáng. Là một nhà giáo dục từng theo dõi và chứng kiến nhiều bạn trẻ trưởng thành, tôi lấy thời điểm 7 giờ 12 phút này để làm một phép ẩn dụ. 24 năm – quãng thời gian để một người vừa hoàn tất cuộc hành trình từ thời niên thiếu sang tuổi thanh niên và bắt đầu bước vào ngưỡng cửa đưa anh ta đến thế giới của người lớn thực thụ - tương đương với quãng thời gian người ta chuẩn bị ra khỏi nhà đi làm mỗi ngày.

Đúng vậy.

Bạn chỉ ở 7 giờ 12 phút sáng, nếu bạn 24 tuổi. Đó là lúc hầu hết mọi người đang rời nhà đến nơi làm việc.

Vậy một người 60 tuổi vừa nghỉ hưu thì sao? Đó là lúc 6 giờ chiều, thời điểm mà hầu hết mọi người thu xếp công việc trong ngày, rời văn phòng trở về nhà để tận hưởng buổi tối ấm cúng bên gia đình. Bạn không thấy tuyệt vời sao? Đó là lý do tôi muốn ví 80 năm cuộc đời như khoảng thời gian 24 giờ của một ngày.

Thật dễ dàng để tính giờ trên chiếc đồng hồ cuộc đời. Có 1.440 phút trong 24 giờ và nếu bạn chia tổng số phút này cho 80 – tuổi thọ kỳ vọng của bạn – bạn sẽ được 18 phút cho mỗi năm. Bạn có thể tìm thấy giờ chính xác của mình nếu bạn hiểu rằng một năm tương đương 18 phút và một thập kỷ tương đương 3 giờ. Theo cách tính này, 20 tuổi là 6 giờ sáng, 29 tuổi là 8 giờ 42 phút sáng. Đó là tính theo tuổi thọ trung bình giả định của một người là 80. Nếu tuổi thọ con người nói chung cao hơn thì bạn sẽ có nhiều năm hơn trải dài trên chiếc đồng hồ cuộc đời bạn.

Lần nọ, khi tôi đến dự tiệc tại nhà một người bạn thời đại học thì gặp một cựu sinh viên của trường chúng tôi. Ông ấy hơn 60 tuổi. Ông đang làm giáo viên thì Bộ trưởng Giáo dục bất ngờ ban hành một chính sách nghỉ hưu buộc ông và nhiều người khác phải về hưu, trong lúc ông chưa hề nghĩ đến điều này.

Đầu tiên ông rất căm vị bộ trưởng, nhưng giờ đây, ông nói rằng mình rất cảm kích vì điều đó. Ông nhận ra có một thế giới hoàn toàn mới mẻ và đầy niềm vui sau khi nghỉ hưu và ông biết ơn vị bộ trưởng đã làm cho các cuộc khám phá thế giới xung quanh của ông có thể thực hiện được sớm hơn hai năm. Tôi kinh ngạc khi nghe ông nói như thế. Nhưng ông ấy đã đúng. Một thế giới mới đến mức không thể tưởng tượng đang ở ngoài kia chờ đợi chúng ta khám phá, dù đã sau 6 giờ chiều, khi hoàng hôn bắt đầu nhuộm xám cuộc đời chúng ta.

Đa phần phản ứng của con người đối với chiếc đồng hồ cuộc sống là... sốc! Vì giờ khắc của họ sớm hơn nhiều so với những gì họ kỳ vọng. Khi tôi bảo một trong những người bạn đồng học, giờ đã sang tuổi 50, rằng hiện ông ấy đang ở 3 giờ chiều, ông ấy bấu tay lên mặt bàn, thảng thốt: "Đừng có đùa!". Khi tôi nói về thời gian với những anh bạn trẻ 24 tuổi sắp sửa tốt nghiệp đại học, đa số họ bảo: "Chỉ mới 7 giờ 12 phút sáng thôi sao? Em nghĩ mình mới sống một chút xíu trong cuộc đời này thôi!". Đúng thế, còn rất nhiều điều đang chờ đợi bạn ở phía trước. Quỹ thời gian của bạn không thể sụp đổ chỉ vì bạn kéo lùi một chút vào lúc 7 giờ sáng.

Nếu bạn muốn buông tay và thốt lên rằng: "Quá trễ rồi!" thì bạn đang gặp rắc rối đấy! Và rắc rối này không chỉ nằm ở khoảng thời gian đã mất, mà còn ở chính con người bạn. Đừng chỉ nhìn thấy sự thất vọng. Còn quá sớm để bạn nghĩ đến điều đó. Vẫn còn thời gian để bạn thay đổi vài thứ, nếu không nói là tất cả!

Kim đồng hồ cuộc đời của tôi chỉ 2 giờ 24 phút chiều. Ở tuổi 48, tôi có thời gian để đi lại nhiều hơn trước khi tiếng chuông điểm 2 giờ 30 phút chiều. Những khi cảm thấy xuống tinh thần với ý nghĩ rằng tôi đã xấp xỉ 50 và chẳng đạt được thành tựu đáng kể gì qua từng ấy năm, tôi ôm đầu và nhìn vào chiếc đồng hồ cuộc đời vẫn để trên bàn – nó đang bảo tôi rằng tôi còn gần trọn một ngày dài phía trước. Nhân vật Benjamin Button nói rất hay về điều này trong bộ phim The Curious Case of Benjamin Button (Dị nhân Benjamin Button). Trong thư gửi con gái mình, ông viết: "Không bao giờ là quá trễ hoặc, như trường hợp của cha đây, là quá sớm để trở thành bất cứ người nào ta muốn!".

- Rando Kim -

Tuesday, July 2, 2019

Khi người ta chết

NHẬT KÝ SAU KHI CHẾT( không đọc phí 1 đời) copy trên facebook

- Vào một ngày, khi tôi không còn nữa, đứng cạnh thân xác đang nguội lạnh, cứng đờ tôi đã thấy...

Người ghét tôi, nhảy múa vui mừng
Người thương tôi, nước mắt rưng rưng.

- Ngày Động Quan...thân thể tôi nằm sâu dưới lòng đất mẹ hướng về trời tây.

Người ghét tôi, nhìn nấm mộ của tôi, niềm vui hiện rõ trên gương mặt.
Người thương tôi, chẳng nỡ quay đầu nhìn lần cuối.

- Ba Tháng sau, thân xác tôi đang dần trương sình, bốc mùi hôi thối, thuở còn sống tôi vô cùng ghét côn trùng, giờ đây giòi bọ đang nhăm nhi cái thân mà tôi cả đời nâng niu, tàn sát sinh mạng để cung phụng cho nó đủ thức ngon, mặc đẹp, đắp vào bao nhiêu tiền của.

- Một Năm Sau: thân thể của tôi đã rã tan…nấm mộ của tôi mưa bay gió thổi...ngày giỗ tôi, họ vui như trẩy hội, mở tiệc hội họp ca nhạc, ăn uống linh đình.

Người ghét tôi, lâu lâu trong buổi trà dư tửu hậu nhắc đến tên tôi...họ vẫn còn bực tức.
Người thương tôi, khi đêm khuya vắng lặng, khóc thầm rơi lệ tìm ai bày tỏ.

- Mười Năm Sau: Tôi không còn thân thể nữa, chỉ còn lại một ít xương tàn.

Người ghét tôi, chỉ nhớ mơ hồ tên tôi, họ đã quên mất gương mặt của tôi.
Người yêu thương tôi nhất, khi nhớ về tôi có chút trầm lặng. Cuộc sống xô bồ dần dần làm phai mờ đi tất cả.

- Vài Chục Năm Sau...nấm mộ của tôi hoang tàn không người nhan khói, quan tài nơi tôi nằm đã mục nát, chỉ còn một mảng hoang vu.

Người ghét tôi, đã già lú cũng quên tôi rồi.
Người yêu thương tôi nhất, cũng tiếp bước tôi đi vào nấm mộ.

- Đối Với Thế Giới Này...

Tôi đã hoàn toàn trở thành hư vô, không ai biết tôi từng tồn tại, bạn bè, đồng nghiệp, người thân, mỗi người một nơi, kẻ già, người chết, những gì tôi dùng đã mất, những gì tôi để lại rơi vào tay kẻ khác.

Tôi phấn đấu, hơn thua, tranh giành cả đời, cũng không mang theo được nhành cây ngọn cỏ. Tiền tài, gia sản mà tôi cố giữ, cố thủ đoạn, mưu mô để có cũng không mang được một phần hư danh, vinh dự hão huyền nào.

- Tôi nhận ra sống trên đời này, bất luận là giàu sang phú quý hay bần tiện nghèo nàn. Khi nhắm mắt, xuôi tay phải bỏ lại tất cả, trả hết cho đời. Cái ta mang theo được, chính là cái ta đã cho đi là đạo đức là tình thương. Bất giác tôi có chút ân hận, lòng lâng lâng một nỗi buồn khó tả, cứ da diết, da diết mãi không thôi.

Bao nhiêu phồn hoa, thoáng qua phút chốc. Trăm năm sau, chỉ còn lại một nắm cát vàng.
Cuộc đời như nước chảy hoa trôi, lợi danh như bóng mây chìm nổi, chỉ có tình thương ở lại đời.

Đã biết chốn này là quán trọ...
Hơn thua hờn oán để mà chi...
Thử ra ngồi xuống bên phần mộ.
Hỏi họ mang theo đc những gì