Monday, October 10, 2022

SỞ HỮU CHÉO

 

Gần đây có một Tập đoàn V dùng cổ phiếu của mình để đầu tư vào một mô hình BĐS. Có rất nhiều ý kiến khen, chê, đúng sai về vấn đề này, tại đây tôi không muốn bàn về điều này, tôi chỉ muốn đề cập đến vấn đề gọi là sở hữu chéo để mọi người hiểu rõ hơn về bản chất của vấn đề.
KHÁI NIỆM SỞ HỮU CHÉO.
Trên thế giới, khái niệm sở hữu chéo (cross ownership) không có gì mới và thường được dùng trong ngành truyền thông (media, telecommunications) để chỉ tình trạng một công ty truyền thông sở hữu hai hoặc nhiều hơn các công ty trong ngành liên đới trực tiếp nhằm tạo thế độc quyền, hạn chế cạnh tranh và vì thế, tại mỗi nước, hệ thống pháp lý thường có quy định về pháp luật rỏ ràng cho việc sở hữu chéo. Tuy nhiên, ở VN, hệ thống pháp lý hiện hành, khái niệm sở hữu chéo không được định nghĩa rõ ràng trong quy định của pháp luật doanh nghiệp.
Theo Luật Doanh nghiệp (LDN) năm 2014 được ban hành đã đưa thuật ngữ “sở hữu chéo” thành thuật ngữ pháp lý khi được đề cập đến lần đầu tiên tại Điều 189. Tuy nhiên, LDN lại không giải thích thế nào là sở hữu chéo mà phải đến Nghị định 96/2015/NĐ-CP mới đưa ra định nghĩa “Sở hữu chéo là việc đồng thời hai doanh nghiệp có sở hữu phần vốn góp, cổ phần của nhau”. Quy định này của Nghị định 96/2015/NĐ-CP phù hợp với đa số các nghiên cứu về sở hữu chéo, nhưng vì sở hữu chéo là một mô hình phức tạp và có nhiều “biến thể” khác cũng được xếp vào dạng mô hình này. Một số mô hình được biết đến như: mô hình dạng vòng, mô hình có doanh nghiệp trung tâm, mô hình dạng lưới,..
Rồi khi LDN năm 2020 được ban hành tiếp tục kế thừa toàn bộ nội dung quy định này nhưng cũng giống LDN năm 2014 chỉ đề cập mà không giải thích thế nào là sở hữu chéo. Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật doanh nghiệp 2020 đồng thời thay thế Nghị định 96/2015/NĐ-CP đã loại bỏ định nghĩa về sở hữu chéo. Do đó định nghĩa nêu trên có thể dùng để tham khảo và hiểu một cách cơ bản về sở hữu chéo.
Cụ thể, khoản 2 Điều 195 Luật này quy định: “Công ty con không được đầu tư mua cổ phần, góp vốn vào công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được đồng thời cùng góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau”.
Như vậy, từ quy định trên, có thể hiểu sở hữu chéo giữa hai doanh nghiệp là việc hai công ty con của cùng một công ty mẹ có sở hữu phần vốn góp, cổ phần của nhau tại cùng một thời điểm.
SỞ HỮU CHÉO TỐT HAY XẤU?
Thật ra, cũng như nhiều hiện tượng kinh tế khác, sở hữu chéo tự nó không tốt không xấu. Nhưng nếu nhìn kỹ thì chúng ta sẽ thấy là khi đứng trên góc nhìn của Doanh nghiệp thì có nhiều điều tốt mà chủ yếu là những lợi ích mà ở đó chỉ có các đối tác trong liên kết sở hữu mới được hưởng . Nhưng khi đứng trên góc nhìn của thị trường thì lắm nhiều điều không hay. Chính vì thế, cần có những quy định rõ ràng về pháp lý nhằm ngăn ngừa việc lợi dụng khe hở của pháp luật để hưởng lợi.
Tuy nhiên, trước khi tìm hiểu sâu hơn, cần làm rõ hơn hai điểm:
1- Mục đích đầu tư: Nếu mục đích đầu tư chỉ là nhằm sinh lợi (capital gain), không nhằm sở hữu hay khống chế DN khác và do đó thường là tỷ lệ sở hữu thấp dưới 50% thì được xem như một hình thức đầu tư thông thường không thuộc dạng sở hữu chéo.
2- Nguồn tài chính dùng đầu tư: Thông thường nếu chỉ nhằm sinh lợi như vừa đề cập ở trên thì thí dụ DN A sẽ dùng tiền để mua CP của DN B do đó chỉ có A sở hữu B. B không sở hữu A nên không là sở hữu chéo. Tuy nhiên nếu A không dùng tiền mà dùng CP của mình để đầu tư mua của CP của B. Lúc này A sở hữu B và vì B cũng nắm CP của A, nên gọi là chéo. Đây là điểm mà chúng ta sẽ đề cập.
Khi mô hình sở hữu chéo được chủ động áp dụng, đa phần, sẽ tạo nên cái gọi là vốn “ảo” – vốn chỉ được thể hiện trên giấy tờ – khiến cho vốn của doanh nghiệp lớn hơn giá trị thực tế (thực góp) mà doanh nghiệp đang có, đồng nghĩa với việc tài sản của doanh nghiệp không tương đương với những gì được thể hiện trên sổ sách. Điều này làm cho việc đánh giá tình hình “sức khỏe” doanh nghiệp và định giá doanh nghiệp không còn chính xác nữa. Hơn nữa, chính điều này gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ khi họ góp vốn bằng tiền tươi thóc thật. Điểm đáng nói là nếu DN A do góp vốn bằng CP, nên vốn lưu động dùng cho kinh doanh của DN B sẽ không có khoản này. Đây là lý do tại sao một số nghiên cứu chỉ ra rằng những doanh nghiệp thuộc hệ thống mô hình sở hữu chéo tạo ra lợi nhuận trung bình ít hơn so với những doanh nghiệp khác.
Để hiểu rõ, chúng ta lấy thí dụ: DN A có vốn 100 tỷ - tương đương 10 triệu CP. DN A dùng 40% tức 4 triệu CP A (trị giá 40 tỷ) để góp vốn thành lập DN B có vốn điều lệ 50 tỷ ( tương đương 5 triệu CP). Bỏ qua các yếu tố giá cả thị trường, lúc này A nắm quyền sở hữu 80% DN B với 4 triệu CP B và ngược lại B nắm 40% quyền sở hữu tại A. Đây là sở hữu chéo. Điều đáng nói là tuy DN B có 50 tỷ vốn điều lệ, nhưng chỉ có 10 tỷ là có thể dùng cho hoạt động sxkd chính của mình. Còn 40 tỷ dưới dạng CP được xem như khoản đầu tư ngược vào A, sẽ được chia cổ tức, nếu A có lãi. Hiện tượng này gọi là vốn ảo.
Trên thực tế, người ta còn dùng hình thức này với mục đích niêm yết trên sàn chứng khoán nước khác gọi là sáp nhập ngược với mục đích vượt qua một số rào cản về pháp lý gọi là sáp nhập ngược (Reverse Merger hay Reverse take over - RTO).
Tuy nhiên nếu không vì mục đích sáp nhập ngược thì sở hữu chéo đa phần tạo vốn ảo, không cung cấp nguồn vốn thật cho nền kinh tế. Như ta thấy, trong thí dụ nêu trên, 40 tỷ được dùng 2 lần cho việc góp vốn nhưng thật sự chỉ có 40 tỷ là được đưa vào nền kinh tế.
CÁC MÔ HÌNH SỞ HỮU CHÉO.
Trên thực tế có nhiều mô hình sở hữu chéo như sở hữu chéo vòng tròn, sở hữu chéo mạng lưới... rất phức tạp.Có một thời gian, các nhà bank ở VN được thành lập mới và sở hữu chéo lẫn nhau rất nhiều với mục đích chỉ nhằm huy động tiền gửi từ dân chúng.
Vậy đánh giá việc sở hữu chéo ra sao tùy mọi người kết luận.
Lai Ho.