Monday, September 1, 2014

Xe chạy xăng thành... chạy than

Ông Trần Văn Khang, nguyên giám đốc Công ty công tư hợp doanh Điều hành bến xe miền Tây, nói: sau giải phóng vài năm thì xăng không đủ cấp cho xe chạy. Những xe chạy xăng thời đó là loại hiện đại, máy móc tốt nhưng chẳng lẽ để đắp chiếu. Một đề tài khoa học rất... nổi tiếng thời đó có khả năng biến loại động cơ hiện đại lùi lại hàng trăm năm đã được áp dụng. Đó là cải tạo xe chạy xăng thành chạy than. 

Thế là từ vận tốc 70-100km/h thành 20-35km/h. Từ êm nhẹ chiếc xe thành con quái vật không ngớt kêu gào. Xe chạy đến đâu, lửa, xỉ than rơi vãi ra đường đến đó và lửa từng làm cháy rừng khi đi qua rừng núi. Hành khách, nhà xe mặt lúc nào cũng đen như người âm phủ. Gặp dốc lớn, tất cả lại xuống xe: 1- 2 -3 hò dô ta... đẩy xe lên dốc. 

Bến xe miền Tây (TP.HCM) hai mươi mấy năm trước khi thành phố chỉ có 1/4 lượng khách so với bây giờ, nhưng cảnh chen chúc vạ vật của người chờ xe không khác gì chạy loạn. Nhiều người đi từ tờ mờ sáng, ngoài tư trang, hàng hóa, họ còn đem theo một viên gạch. Đến cửa quầy bán vé khi trời chưa rõ mặt người, hành khách đã đua chen nhau đặt hòn gạch để xí chỗ xếp hàng mong mua vé trước. Vậy mà không ít người đợi đến 2-3 ngày vẫn không mua được vé, đành ra về. Lễ tết thì khỏi phải nói. 

Bến xe phía Nam (Hà Nội) cũng y như thế. Thời bao cấp không mấy khi hành khách mua được vé trực tiếp từ bến xe mà chủ yếu là vé chợ đen. Riêng bến xe Kim Liên - Hà Nội (cũ) lúc nào cũng có 5-7 băng nhóm phe vé. Mỗi nhóm 5-7 người. Bọn họ bám chặt và sống ký gửi vào bến xe này với công việc duy nhất: mua càng nhiều vé xe càng tốt. Ngày đó những cảnh như một bà lão còng lưng dốc hết tay nải để tìm những đồng tiền cuối cùng nhưng vẫn không đủ đòi hỏi của tay phe vé. Bà phải rớt chuyến. Những hành khách tội nghiệp như bà vừa khóc vừa liêu xiêu giữa bến xe chiều không phải là chuyện hiếm. 

Lái xe Trần Văn Thành than: hành khách khốn khổ thì phận lái xe cũng rất khốn nạn. Săm lốp, phụ tùng, thùng, máy, xăng dầu... đều được tính theo chỉ tiêu (tính số kilômet vận hành để được cấp mới hay trung đại tu) nhưng cái chỉ tiêu ấy chỉ có thể áp dụng trên giấy vì nó rất phi lý. Hỏng hóc thiếu thốn, chắp vá đủ kiểu nhưng vẫn không thể sống được. Nhiều người bỏ xe giữa đường, bỏ nghề, bỏ cơ quan về luôn. Mấy tháng sau, địa phương yêu cầu công ty mới cho xe ra kéo cục sắt ấy về. Ai không dám bỏ nghề thì buộc phải bỏ tiền túi mà cải tạo. Tiền đâu? Lại phải buôn hàng lậu (thật ra chỉ là gạo, thịt, mắm muối, xà phòng...) hay bắt thêm khách, lại phải lo lót, luồn cúi... Trong giới lái xe cũng có rất nhiều người đã phải bán nhà để sửa xe cho Nhà nước. Cho đến tận bây giờ nhiều người khi đã bỏ nghề chạy xe vẫn không mua nổi căn nhà cũ để ở.

No comments:

Post a Comment