Tùng Tri
Kính thưa quý thính giả,
Hai con người đầu tiên là A-đam và Ê-va, đã đi ngược lại với lời dặn dò của Thiên Chúa; trong vườn địa đàng năm xưa, đưa tay ra hái trái cấm để ăn, với tham vọng được trở nên ngang hàng với Đấng Tối Cao. Ngay sau khi vừa phạm tội, hệ quả đầu tiên là nỗi sợ hãi bao trùm cả tâm hồn của hai người; đến nỗi cả hai phải tìm cách trốn tránh Thiên Chúa, như A-đam có tự nhận: "Con sợ nên con đi trốn".
Từ khi tội lỗi chia cắt con người với Thiên Chúa, những kinh nghiệm đau thương trong đời sống bấp bênh đã sản sinh ra vô số những nỗi sợ hãi khác. Các nhà tâm lý xác nhận có trên 2000 nỗi sợ hãi khác nhau, mà trong đó, sợ thất bại nằm trong mười nỗi sợ hãi đứng đầu, bên cạnh nỗi sợ phải nói chuyện trước đám đông, sợ bị khước từ chối bỏ, sợ cô đơn, sợ nghèo đói và sợ chết.
Tại sao ai cũng sợ thất bại?
Bởi vì, tất cả chúng ta đều đã có vài lần trong đời, nếm trải qua kinh nghiệm chua cay của sự thất bại.
Tuy vậy, nếu bạn và tôi cứ để nỗi lo sợ thất bại trong quá khứ ám ảnh, khiến chúng ta không còn dám đón nhận một cơ hội nào mới, chẳng còn dám thử một việc gì mới, khiến ý chí trở nên tê liệt, thì chúng ta đang hoang phí quãng đời còn lại.
Tuy biết rằng, không phải lúc nào chúng ta cũng thành công, bạn và tôi chắc chắn có lúc sẽ bị vấp ngã, nhưng mà sự thất bại có đáng để chúng ta quá khiếp sợ hay không?
Những người thành công và thành công vượt bậc không phải là không từng thất bại, nhưng thay vì khiếp sợ sự thất bại, họ có một thái độ và cách đối phó phù hợp trước những thất bại của mình.
Nhà bác học Thomas Edison đã thất bại khoảng 6000 lần trong các thí nghiệm để sáng chế nên bóng đèn điện. Một ký giả trẻ kia, có lần hỏi ông, đã thất bại ê chề đến vậy, sao không bỏ cuộc cho rồi, chứ cứ tiếp tục hoài thì có ích gì. Nhà bác học Edison trả lời rằng: "Tôi đâu có thất bại hồi nào. Tôi chỉ vừa khám phá 6000 cách bóng đèn điện không thể hoạt động mà thôi!".
Raymond Kroc đã từng lỗ lã trong nhiều cuộc làm ăn, có thời phải đi báo dạo máy quay làm milkshake. Sau đó, ông mua nhà hàng bán hamburger mang tên McDonald, rồi ứng dụng phương pháp sản xuất dây chuyền của vua xe hơi Henry Ford trong dây chuyền làm hamburger, để rồi từ đó hệ thống tiệm ăn nhanh McDonald ra đời và lan tràn khắp thế giới.
Tổng thống Abraham Lincoln, trước khi đắc cử và trở nên vị tổng thống tài ba nhất của lịch sử Hoa Kỳ, đã từng bị mất việc, bị thất bại trong thương trường, bị suy sụp tinh thần, bị thất cử liên tục trong các kỳ tranh cử vào quốc hội, cũng như thất bại không được đề bạt làm phó tổng thống.
Nhà bác học thiên tài Albert Einstein, từng bị xem là "tối dạ", không đủ khả năng theo học môn vật lý; nhưng cuối cùng trở nên người đề ra thuyết tương đối và là cha đẻ của môn nguyên tử học.
Như vậy, thất bại không phải là cuối cùng đâu. Nếu bạn biết công việc mình đang đeo đuổi là chính đáng, với mục đích tốt đẹp, thì cũng đừng vì những thất bại ban đầu mà nản lòng, vì sách Châm Ngôn 24:16 trong Kinh Thánh có ghi: "Vì người công bình dầu sa ngã bảy lần cũng chổi dậy".
Thất bại không phải là chấm dứt, nhưng chỉ có nỗi lo sợ thất bại mới khiến mọi mục tiêu bị dẹp bỏ và cuộc đời rơi vào ngõ cụt mà thôi. Có người nhận xét rằng, các nghĩa địa là nơi giàu có nhất trên hành tinh này; tại vì tại các nơi đó, vì sợ thất bại, mà biết bao nhiêu người đã chôn vùi tài năng vô giá của mình xuống phần mộ.
Không những sự thất bại không đáng để sợ, mà còn đem đến lợi ích cho bạn và tôi nữa.
Thứ nhất, chúng ta học hỏi thật nhiều qua những lần thất bại.
Qua những kinh nghiệm thất bại đau thương, bạn và tôi mới nhận ra mình đang đi trật hướng, hay đang ứng dụng trật phương pháp và nhờ đó chúng ta mới học hỏi tìm kiếm những đường hướng mới, những cách thức mới sao cho phù hợp.
Nhờ thất bại trong lãnh vực này, bắt buộc bạn và tôi phải đổi hướng và khám phá trong một lãnh vực khác. Như chúng ta thường nghe nói "Thất bại là mẹ thành công". Nếu không sợ thất bại và nếu kiên trì học hỏi rút tỉa kinh nghiệm từ những lần vấp ngã, không sớm thì muộn, bạn và tôi sẽ khám phá một lãnh vực mới, một khả năng mới hay một cơ hội mới phù hợp cho mình để dẫn đến thành công.
Thứ nhì, sự thất bại giúp chúng ta trở nên khiêm nhường lúc thành công; nhất là giúp bạn và tôi biết cảm thông với những người khác khi đang gặp thất bại, để có thể nâng đỡ và khích lệ họ.
Quý thính giả thân mến,
Các sách lịch sử trong Kinh Thánh có ghi chép rằng, có khoảng thời gian hơn 400 năm, dân Do-thái sống dưới ách nô lệ tại Ai-cập, bị bắt làm việc cực khổ và bị ức hiếp bất công mỗi ngày. Thiên Chúa, nghe thấu tiếng thở than của tuyển dân của Ngài, đã sai Môi-se làm người lãnh đạo để giải thoát họ ra khỏi Ai-cập và đưa họ về vùng đất hứa. Sau khoảng 40 năm di chuyển trong sa mạc và sắp sửa bước vào vùng đất hứa, thì Môi-se qua đời, do vậy quyền lãnh đạo được trao cho người phụ tá trẻ tuổi tên là Giô-suê, để hướng dẫn toàn dân bước vào miền đất mà mọi người trông đợi. Giô-suê, vốn là một thám tử, nên biết rất rõ trong vùng đất sắp tiến vào, có những cư dân hùng mạnh với thành lũy thật kiên cố và do vậy sẽ có vô số những trận đụng độ quyết liệt phải xảy ra.
Thiên Chúa đã làm điều gì để chuẩn bị cho chàng Giô-suê còn trẻ tuổi, khi đứng trước trọng trách với bao nỗi đe dọa lớn lao kinh khủng đến dường ấy?
Thiên Chúa không dạy cho Giô-suê những mưu lược quân sự, hay các cách điều binh khiển tướng, mà cũng chẳng huấn luyện cho chàng nghệ thuật lãnh đạo, nhưng Ngài chỉ đưa ra những lý do cần thiết vì sao Giô-suê cần phải loại bỏ nỗi sợ hãi trong tâm trí để trở nên can đảm.
Thứ nhất, Giô-suê cần phải can đảm vì lợi ích của toàn dân, như Ngài có nói với Giô-suê rằng: "Con hãy mạnh dạn và can đảm lên vì con sẽ lãnh đạo dân này vào hưởng đất mà Ta đã thề ban cho tổ phụ họ" (Giô-suê 1:6)
Vì sự dũng cảm của Giô-suê mà tuyển dân Do-thái đã tiến chiếm được đất hứa, giữ gìn được giống nòi và sau đó, trong lòng dân tộc này, trên vùng đất hứa này, Chúa Cứu Thế Giê-xu đã hạ sinh, để thực thi chương trình cứu chuộc nhân loại.
Loại bỏ nỗi sợ hãi thất bại để can đảm hành động, sẽ mở rộng cánh cửa tương lai lâu dài cho gia đình, cho vợ hay chồng, cho con cái, cho cộng đồng, cho những người có liên quan dính líu đến mỗi chúng ta.
Thứ nhì, Giô-suê cần phải can đảm vì lợi ích cho chính mình, như Đấng Tối Cao có dặn dò: "Con hãy mạnh dạn và cực kỳ can đảm! Hãy cẩn thận vâng giữ tất cả kinh luật mà Môi-se, đầy tớ Ta, đã truyền cho con. Đừng xây qua bên hữu hoặc bên tả, ngõ hầu con được thành công bất cứ nơi nào con đến" (Giô-suê 1:7)
Vì dũng cảm, Giô-suê được tận hưởng vùng đất đượm sữa và mật mà Thiên Chúa đã hứa ban cho dân tộc của mình.
Không sợ thất bại, dám tấn tới để thành công, bạn và tôi mới có thể đón nhận và kinh nghiệm sự ban cho dư dật của Đấng Tối Cao.
Thứ ba, Giô-suê cần phải can đảm vì danh của Thiên Chúa, như Ngài có phán: "Hãy mạnh dạn và can đảm lên. Đừng sợ hãi, đừng nản lòng, vì Chúa, Đức Chúa Trời con sẽ ở với con trong mọi nơi con đi." (Giô-suê 1:9)
Trong khi các dân tộc lân cận thờ lạy tà thần, nhưng chỉ duy tuyển dân Do-thái thờ phượng Đấng Chân Thần Tối Cao, do vậy sự can đảm của Giô-suê là vô cùng cần thiết, để bảo đảm cho một chiến thắng vinh quang, trở nên một minh chứng cho quyền năng vô song của Đấng Chủ Tể.
Khi bạn và tôi đã tiếp nhận Chúa Giê-xu vào trong đời sống, dám tin cậy theo Ngài để vượt trên nỗi lo sợ thất bại, dám can đảm hành động để đi đến thành công, thì chúng ta đang đem đến cho nhiều người chung quanh những bằng chứng sống về quyền năng tuyệt đối và tình yêu vô biên Con Trời.
Kính thưa quý thính giả,
Có ba bước có thể giúp chúng ta loại bỏ nỗi lo sợ thất bại và để bắt đầu kinh nghiệm sự thành công.
Bước đầu tiên là dám trực diện với những thất bại đã qua, dám nhìn thẳng, để phân tích, học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm từ những vấp ngã để chiến thắng nó.
Thủ tướng Anh quốc, Winston Churchchill, trong cuộc Thế Chiến Thứ Nhì, khi phải đối diện với hiểm họa bành trướng của Đức Quốc Xã, đã đứng lên cổ động toàn dân Anh như sau:
"Một người không nên lưng xoay lưng lại với sự nguy hiểm đang đe dọa để ráng chạy trốn khỏi nó. Nếu bạn làm vậy, bạn đang nhân đôi sự nguy hiểm đó. Nhưng nếu bạn dám đứng trực diện với nó mà không hề nao núng, thì bạn đang giảm thiểu sự đe dọa đó tới một nửa rồi. Không bao giờ chạy trốn trước mối đe dọa nào cả. Không bao giờ!"
Bước thứ nhì, bạn và tôi không cần phải bắt đầu với một điều gì quá lớn lao. Bắt đầu với những gì vừa sức, vừa tầm tay, tuy nhỏ nhưng kiên trì, thì bạn sẽ nhận ra hiệu ứng dây chuyền lớn lao sau đó.
Các khoa học gia khám phá rằng những đàn bướm, khi bay và đập cánh, có thể gây nên một chuỗi dây chuyền các tác động làm thay đổi thời tiết ở một phạm vi rất rộng lớn. Khi đàn bướm đập cánh, những đôi cánh nhỏ bé của chúng không thể tạo nên một trận cuồng phong nào ngay lập tức, nhưng những động tác đơn sơ đó sẽ hình thành những điều kiện cần thiết sơ khởi để tạo nên một cơn bão lốc cách đó vài cây số.
Bước thứ ba, đừng chờ đợi một điều gì cho thật chắc chắn, cho thật bảo đảm rồi mới dám làm.
Có một nghịch lý là, khi một người càng chờ đợi, càng trông ngóng một chuyện gì cho thật chắc chắn, thật tuyệt hảo rồi mới dám làm, thì tinh thần người đó càng tê liệt, chỉ khiến nỗi lo sợ thất bại càng dâng cao.
Sự hiểu biết của mỗi chúng ta rất giới hạn; không ai có thể cam chắc điều gì sẽ xảy ra trong ngày mai. Nếu chúng ta đòi hỏi phải có một bảo đảm chắc chắn thì mới bắt tay thực hiện một dự định nào đó, thì đây là điều không tưởng và chỉ khiến nỗi lo sợ thất bại ngày càng dâng cao mà thôi.
Vua Sa-lô-môn, người khôn ngoan nhất, có viết trong sách Châm Ngôn 11:4 như sau: "Ai quan sát chiều gió sẽ không gieo, ai nhìn xem hướng mây sẽ không gặt".
Ở đây, vua Sa-lô-môn có ngụ ý rằng, đôi khi bạn và tôi phải cam đảm, dám gieo hạt dầu cho gió chẳng thuận, dám gặt lúa dầu mây chẳng thuận hướng; chứ cứ lần lửa chờ đợi cho khi nào thời tiết thật tuyệt hảo, khi nào thật chắc chắn mới hành động, thì cả đời chúng ta sẽ không bao giờ gieo hay gặt, nhưng chỉ cứ vật lộn với nỗi lo sợ thất bại ngày càng lớn dần, để rồi cuối cùng chẳng làm được một chuyện gì có ý nghĩa cả.
Thay vì nhìn theo sự hiểu biết hay tài phán đoán của riêng cá nhân mình, để chuốc nặng lo âu, thì bạn và tôi hãy đặt lòng tin cậy nơi Thiên Chúa, để nhận được sự can đảm cần thiết.
Cách đây hơn hai ngàn năm, Thiên Chúa Ngôi Hai đã tự nguyện giáng trần làm người, sinh ra trong một con người mang tên Giê-xu, để rồi sau đó hy sinh chịu đóng đinh trên cây thập tự, lãnh bản nợ tội thế cho loài người, chịu chết thế cho cả nhân loại; hầu cho bất kỳ ai tin vào sự đền nợ tội thay, tin vào sự chết thế đó của Con Trời, thì người đó được Đấng Tối Cao tha bỗng, được tuyên bố là vô tội, được phục hòa mối liên hệ với Đấng tạo dựng ra mình, được thừa hưởng mọi lời hứa phước hạnh có chép trong Kinh Thánh, từ nay cho đến đời đời.
Thiên Chúa đã chẳng tiếc mạng sống Con Một của Ngài để cứu bạn và tôi, thì Ngài chắc không tiếc mọi điều khác, kể cả sự thành công, để ban tặng cho chúng ta, như Kinh Thánh có tuyên bố: "Đấng thật đã không tiếc chính Con Ngài nhưng đã phó Con ấy vì tất cả chúng ta thì làm sao mà Ngài chẳng ban mọi sự luôn với Con đó cho chúng ta?" (Rô-ma 8:32)
Có khoảng 7500 lời hứa ban phước hạnh được ghi trong Kinh Thánh và những lời hứa này là dành riêng cho bạn và tôi, khi chúng ta bằng lòng tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu vào trong đời sống.
Người chỉ huy trẻ tuổi Giô-suê nhờ lòng can đảm mà tiến chiếm được đất hứa.
Còn bạn và tôi có dám tin vào tình yêu của Chúa Cứu Thế Giê-xu, để vượt qua nỗi lo sợ thất bại, dám bắt tay hành động, để rồi đón nhận và kinh nghiệm muôn vàn phước hạnh đang dành sẵn cho mình?
Thân chào quý vị và các bạn.