Sunday, June 4, 2017

Nền kinh tế tuần hoàn: Hài hòa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường

Hiện nay, chúng ta phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp ở nhiều nơi đe dọa đến những thành quả kinh tế - xã hội của đất nước. Điều đó, đặt ra trách nhiệm không chỉ với thế hệ hiện tại mà còn đối với thế hệ mai sau trong việc chuyển đổi phương thức, mô hình phát triển theo hướng đảm bảo hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Sasama Tomoyuki, Tổng Giám đốc Công ty Dow Việt Nam về vấn đề này.
PV: Thưa ông, “Kinh tế tuần hoàn” là một khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam, ông có thể cho biết ngắn gọn nền kinh tế tuần hoàn là gì và vì sao nên thực hiện mô hình này trong bối cảnh hiện nay?
Ông Sasama Tomoyuki: Có một thực tế rõ ràng là nhiều tài nguyên thiên nhiên trên hành tinh của chúng ta ngày càng trở nên khan hiếm, cạn kiệt – nước ngọt khan hiếm, nguồn nhiên liệu hóa thạch có hạn và chi phí các doanh nghiệp, chính phủ và xã hôi gánh chịu ngày càng nặng nề hơn. Vậy bằng cách nào có thể hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường mà còn giúp hài hòa giữa phát triển kinh tế - bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần thay đổi hành vi và chuyển sang mô hình tiêu dùng bền vững.
Hiện tại, chúng ta đang sống trong nền kinh tế tuyến tính nơi hàng hóa sử dụng hàng ngày được sản xuất từ nguyên liệu, được bán, được sử dụng và sau đó, thải loại sau khi sử dụng. Vì vậy, một mô hình đang được tiên phong trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang một nền kinh tế tái thiết kế, tái sử dụng và tái sản xuất được thực hiện với mục đích kéo dài tuổi thọ và giá trị vật chất. Theo đó, chúng ta sẽ bảo tồn được các nguồn tài nguyên trong “nền kinh tế tuần hoàn” và tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Việc áp dụng các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp chúng ta tối ưu hóa và tái sử dụng các nguồn lực và cuối cùng là giảm lượng chất thải mà chúng ta phải xử lý thông qua chôn lấp.
Cách hiểu đơn giản nhất về khái niệm kinh tế tuần hoàn chính là, trước đây, chúng ta bắt đầu sử dụng hàng hóa và kết thúc quá trình sử dụng là chất thải. Nhưng hiện nay, người ta bắt đầu sử dụng hàng hoá và đó là khởi đầu của một quá trình không có điểm kết thúc. Quá trình này chính là nền kinh tế tuần hoàn, nó biến hàng hóa sử dụng ngày hôm nay thành nguồn lực sử dụng tương lai.
n PV: Xin ông cho biết, việc thực hiện nền kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có những thuận lợi và thách thức gì?
Ông Sasama Tomoyuki: Một trong những lợi ích lớn nhất khi thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn là các nguồn lực được sử dụng hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững mà Chính phủ Việt Nam rất coi trọng trong chiến lược phát triển bền vững dài hạn. Tuy vậy, nguyên lý của nền kinh tế tuần hoàn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển hiệu quả cần có sự đồng thuận của Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Quá trình biến nhận thức về 3R (giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế) thành hành vi và hành động sẽ cần nhiều thời gian. Hơn nữa, quá trình xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cần có công nghệ và khả năng đổi mới nhằm tái sử dụng các nguồn lực hiệu quả mà nó không chỉ tốt cho môi trường mà còn tốt cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê Việt Nam, hơn 95% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ rất thiếu nguồn vốn, nguồn nhân lực và khả năng đổi mới để áp dụng nguyên lý của nền kinh tế tuần hoàn.
n PV: Kinh nghiệm một số mô hình đang được triển khai thành công ở Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Ông Sasama Tomoyuki: Việc chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn không những quan trọng đối với quá trình bảo tồn và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trên hành tinh của chúng ta mà còn quan trọng đối với sự thành công của các doanh nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, đã có một số sáng kiến nền kinh tế tuần hoàn được triển khai thành công. Đặc biệt, có những sáng kiến và công nghệ chuyển đổi vật phẩm vốn trước đây được coi là chất thải thành các sản phẩm và các dịch vụ mới.
Như thông qua chương trình thí điểm túi năng lượng ở thành phố Citrus Heights, bang California đã giúp chuyển đổi 6.000 pound nhựa thải vốn chưa từng được tái chế trước đây - như túi nước trái cây, giấy gói kẹo và đồ chứa thức ăn bằng nhựa thành 512 gallon nhiên liệu. Hay như thông qua hệ thống SAFECHEM được chương trình môi trường Liên Hợp Quốc công nhận là sáng kiến đổi mới môi trường, 1 giải pháp làm sạch khép kín giúp giảm tới 98% các dung môi cần thiết trong giải pháp làm sạch bề mặt kim loại chính xác cao và giặt khô.
n PV: Việc áp dụng mô hình nền kinh tế tuần hoàn tại các doanh nghiệp sẽ gây tốn kém hơn so với các mô hình khác do thiếu nguồn nhân lực, tài chính. Vậy, Tập đoàn Dow có những khuyến khích gì cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, thưa ông?
Ông Sasama Tomoyuki: Hiện nay, Tập đoàn của chúng tôi đang đi đầu trong kế hoạch thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2025. Trong đó, chúng tôi sẽ hợp tác với các doanh nghiệp đầu ngành, các tổ chức phi lợi nhuận và Chính phủ các nước thực hiện 6 dự án kinh tế tuần hoàn lớn trong vòng 10 năm tới.
Đối với Việt Nam, sau khi tổ chức hai hội thảo về kinh tế tuần hoàn, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ tổ chức hội thảo tái chế các sản phẩm nhựa tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM và các tỉnh thành giúp nâng cao nhận thức về tái chế các sản phẩm nhựa và thúc đẩy 3R tại Việt Nam.
Đáng chú ý là các sản phẩm của Tập đoàn chúng tôi sẽ là nguyên liệu đầu vào thiết yếu đối với nhiều ngành công nghiệp hạ nguồn và công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Chúng tôi luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và nâng cao giá trị cho hầu hết các nền công nghiệp sản xuất tiên tiến của các nước. Với trình độ chuyên môn và giải pháp sáng tạo của mình tập đoàn sẽ giúp Việt Nam giải quyết những thách thức và lo ngại các quốc gia về “chất thải” đặc biệt là vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, vật liệu bán dẫn cho tới các thiết bị điện tử tiên tiến, các ứng dụng bao bì thực phẩm và chất dẻo
 PV: Trân trọng cảm ơn ông!
 
 
BOX: Kinh tế tuần hoàn được hiểu là sẽ biến những đồ đạc đang ở cuối vòng đời phục vụ của mình thành nguồn lực cho người khác, lấp đầy những khoảng trống trong các hệ sinh thái công nghiệp và giảm thiểu lượng rác thải. Điều này, sẽ làm thay đổi logic kinh tế: tái sử dụng những gì có thể, tái chế, những gì không thể tái sử dụng, sửa chữa, những gì hỏng hóc, tái sản xuất những gì không thể sửa chữa. Để triển khai mô hình kinh tế này, cần thực hiện đúng 5 nguyên tắc cơ bản sau: Thiết kế để tái sử dụng; Khả năng linh động nhờ sự đa dạng; Sử dụng năng lượng từ các nguồn vô tận; Tư duy hệ thống và Nền tảng sinh học.
Quan điểm này được miêu tả cách đây hơn 40 năm do Stahel và Geneviève Reday - Mulvey đưa ra nhưng chưa được nhiều nước quan tâm nhiều. Hiện nay, một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và các quốc gia châu Âu trong thập kỷ qua đã bắt đầu các chương trình nghiên cứu nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn bằng cách đẩy mạnh việc tái sản xuất và tái sử dụng.
Tuy vậy, theo số liệu được cung cấp tại Hội thảo “Nền kinh tế tuần hoàn: Hướng tiếp cận mới nâng cao sức cạnh tranh, giảm chất thải ra môi trường” ngày 27/7/2016 tại Hà Nội, kinh tế tuần hoàn có thể tạo hơn 1.000 tỷ USD thông qua chuỗi cung ứng tuần hoàn (tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất) vào năm 2025 trên toàn cầu.
Thanh Thủy (thực hiện)
baotainguyenmoitruong.vn

No comments:

Post a Comment